Kịch bản ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai đang phủ bóng hội nghị thượng đỉnh G7, khi cựu tổng thống gần đây có những bình luận gây lo ngại.
Tháng 6/2021, hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Cornwall, Anh được Tổng thống Joe Biden chọn là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Động thái của ông Biden nhằm trấn an các đồng minh, sau nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump gây căng thẳng với châu Âu bằng chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Gặp các lãnh đạo Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Canada tại Cornwall khi đó, ông Biden tuyên bố “Mỹ đã trở lại” với G7, cam kết vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington sẽ mạnh mẽ hơn, ổn định hơn.
“Phòng họp lúc đó có cảm giác nhẹ nhõm, rằng Mỹ tiếp tục thực sự là quốc gia dẫn dắt”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói ngày 11/6. “Và điều đó vẫn đang đúng hơn bao giờ hết”.
Tổng thống Biden đến Puglia, Italy tối 12/6 để dự hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 50. Đây là hội nghị thượng đỉnh G7 cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Biden. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh ông Biden và người tiền nhiệm Trump sẽ tái đấu vào tháng 11, với kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng một lần nữa khiến các nước G7 lo ngại.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra ở Borgo Egnazia, vùng Puglia, miền nam Italy. Sự kiện bắt đầu lúc 11h (16h giờ Hà Nội) ngày 13/6 và kéo dài đến 15/6, ngoài lãnh đạo 7 thành viên còn có đại diện Liên minh châu Âu (EU) và các nước khách mời tham dự. Các chủ đề thảo luận gồm châu Phi, biến đổi khí hậu, phát triển, vấn đề Trung Đông và Ukraine.
Tổng thống Biden phải đối mặt thêm một vấn đề, đó là mối lo ngại của các đồng minh, vốn đang theo dõi sát sao cuộc tái đấu giữa ông với ông Trump, Washington Post bình luận. Họ sợ rằng tuyên bố “nước Mỹ đã trở lại” của ông Biden không còn đúng nữa khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Canada năm sau.
Khi đương nhiệm, ông Trump nhiều lần chỉ trích NATO, liên minh quân sự mà 6 nước trong G7 là thành viên. Một số cựu trợ lý cho rằng nếu đắc cử, ông Trump khả năng cao sẽ rút Mỹ khỏi liên minh. Trump ngày 10/2 khiến các đồng minh của Mỹ lo ngại khi tuyên bố sẽ khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với các thành viên NATO không chi tiêu đủ cho quốc phòng.
“Ông Biden đã nỗ lực trấn an đồng minh trong 4 năm qua. Thông điệp ông đưa ra là ‘nước Mỹ đã trở lại'”, Rachel Rizzo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm về châu Âu thuộc viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở Mỹ, nói. “Tôi nghĩ câu hỏi mà nhiều lãnh đạo đang tự đặt ra cho họ là ‘Có thật vậy không? Vì chúng tôi vừa chứng kiến quốc hội Mỹ bất đồng sâu sắc về viện trợ cho Ukraine'”.
Khi thăm Pháp tuần trước dự lễ kỷ niệm D-Day, sự kiện quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Pháp trong Thế chiến II, ông Biden đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và xin lỗi vì Mỹ chậm trễ thông qua gói viện trợ quân sự hồi tháng 4.
Kịch bản Trump trở lại Nhà Trắng còn gia tăng sức nặng của câu hỏi nỗ lực hàn gắn các liên minh của Mỹ hiệu quả đến đâu. Nỗi lo lắng đã bao trùm lên nhiều nước, một số chính phủ đã bắt đầu tìm cách lấy lòng ứng viên của đảng Cộng hòa.
Ông Biden đến Italy khi bối cảnh chính trị ở châu Âu đã thay đổi, dù chỉ mới thăm Pháp vài ngày trước. Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) ngày 6-9/6 cho thấy phe cực hữu đang trỗi dậy ở khu vực. Các đảng cực hữu ở Đức, Pháp cải thiện vị thế, khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Nhà Trắng Kirby cho biết Mỹ không quá lo ngại về kết quả bầu cử EP và tin bà Ursula von der Leyen sẽ tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Josh Lipsky, giám đốc cấp cao tại Trung tâm Kinh tế – Địa lý, Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết sự kiện này “không chỉ là cuộc họp của G7, mà thực ra là của 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, không bao gồm Trung Quốc”, với sự tham dự của một số lãnh đạo khách mời, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
“Mọi thứ đều phản ánh nguy cơ và cảm giác cấp bách xoay quanh G7. Tôi thấy dường như đây là cơ hội cuối để họ làm điều gì to lớn, trước khi mọi thứ có thể thay đổi đáng kể”, Lipsky nói.
Các lãnh đạo châu Âu sẽ phải suy ngẫm về một tương lai mà họ phải tự lực tự cường, không thể dựa nhiều vào sự hỗ trợ từ Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử. “Cái bóng của ông Trump đang bao trùm lên G7, nhưng phần nào cũng khích lệ họ”, Armida van Rij, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện chính sách Chatham House, trụ sở Anh, nhận định.
Trong khi đó, ông Biden dường như có ưu tiên khác. Tổng thống Mỹ sẽ rời Italy ngày 14/6, một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc, và bay thẳng đến Los Angeles. Ông chủ Nhà Trắng sẽ có buổi gây quỹ chính trị tại thành phố, với sự tham gia của ông Obama, các diễn viên George Clooney, Julia Roberts và người dẫn chương trình Jimmy Kimmel, trong nỗ lực đối đầu Trump.