Sau khi kết thúc cuộc chiến pháp lý hơn 10 năm, ông chủ WikiLeaks trở về Australia như một người hùng trong mắt những người ủng hộ ở quê nhà.
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange sáng 26/6 trình diện tại tòa án ở thành phố Saipan, Quần đảo Bắc Mariana thuộc lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ông nhận tội âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu quốc phòng bí mật của Washington, theo thỏa thuận trước đó với Bộ Tư pháp Mỹ. Đổi lại, Assange được tuyên mức án 62 tháng tù, đúng bằng khoảng thời gian ông đã ngồi tù ở London, giúp ông được trả tự do ngay tại tòa và lên máy bay, trở về quê nhà Australia.
Việc Julian Assange đấu tranh chống lại nỗ lực dẫn độ và buộc tội của Mỹ suốt hơn 10 năm qua đã khiến ông trở thành một “người hùng” trong mắt nhiều đồng hương Australia.
Ở quê nhà, Assange từ lâu được coi là con cưng của các luật sư nhân quyền, những người theo phe cực tả hoặc cực hữu và ủng hộ sự nghiệp của ông. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân Australia đối với việc trả tự do cho Assange lên tới 71%.
Mức độ ủng hộ của công chúng đối Assange đã tăng lên ở Australia trong 7 năm ông ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ sang Mỹ, sau đó là 5 năm trong nhà tù an ninh nghiêm ngặt Belmarsh ở Anh.
Kể từ khi Thủ tướng Anthony Albanese đắc cử năm 2022, ông đã vận động hành lang để Mỹ chấm dứt nỗ lực truy tố Assange. Ông Albanese từng là bộ trưởng cấp cao trong chính phủ do Công đảng trung tả lãnh đạo.
Công đảng năm 2010 từng mạnh mẽ ủng hộ những lời chỉ trích của Mỹ đối với việc công bố kho tài liệu của WikiLeaks. Tuy nhiên, Assange không vi phạm luật pháp của Australia.
“Bất kể quan điểm của mọi người đối với các hoạt động của ông Assange như thế nào, sự việc đã kéo dài quá lâu. Tiếp tục giam giữ Assange không giải quyết vấn đề gì và chúng tôi muốn ông ấy được trở về Australia”, Thủ tướng Albanese nói ngày 25/6, trước khi ông chủ WikiLeaks bắt đầu phiên tòa ở Saipan.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong thừa nhận nhiều nhà lập pháp nước này ủng hộ Assange. Một nhóm nghị sĩ Australia đã tới Mỹ, mang theo lá thư có chữ ký của 60 nhà lập pháp, kêu gọi chấm dứt truy tố ông chủ WikiLeaks. Bà Wong cho biết Thủ tướng Albanese dẫn đầu nỗ lực của Australia, đích thân nêu vấn đề của Assange với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
“Chúng tôi muốn thấy ông Assange đoàn tụ với gia đình ở Australia”, bà Wong nói.
Giới phân tích cho biết một phần ủng hộ của Australia dành cho ông Assange bắt nguồn từ việc họ xem Mỹ đang nỗ lực “quá mức” để tìm cách truy tố ông chủ WikiLeaks. Bộ Tư pháp Mỹ từng cáo buộc Assange 18 tội danh theo Đạo luật Gián điệp, khiến ông có thể bị kết án tù tới 175 năm nếu bị xét xử ở Mỹ.
Thượng nghị sĩ Australia Matt Canavan từng là người ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, nhưng thay đổi quan điểm sau khi WikiLeaks phơi bày nhiều sự cố trên chiến trường, trong đó có vụ trực thăng quân đội Mỹ đã bắn chết hàng chục người gồm hai nhà báo Reuters năm 2007.
Canavan hối hận vì đã ủng hộ cuộc chiến và biết ơn WikiLeaks về những thông tin được tiết lộ. “Tôi là người cổ vũ cho cuộc chiến và tôi vui khi phải thừa nhận rằng tôi đã sai, bởi chúng ta đang sống với hậu quả của việc tham gia cuộc chiến đó”, ông nói.
Một yếu tố khác khiến các phe phái chính trị ở Australia tìm thấy tiếng nói chung trong vụ Assange là nguy cơ Mỹ, hay bất kỳ quốc gia nào, có thể buộc tội công dân của họ dù không vi phạm luật trên lãnh thổ Mỹ.
Theo quan điểm của Canavan và nhiều người ủng hộ Assange, nhà sáng lập WikiLeaks chỉ nhận tội khi đó dường như là cách duy nhất giúp ông thoát khỏi cuộc chiến pháp lý kéo dài.
Nhiều người ủng hộ đã thúc giục Assange chấp nhận thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp Mỹ, trong đó có nghị sĩ Công đảng Julian Hill. Nghị sĩ Hill từ lâu tranh luận rằng không ai nên phán xét Assange nếu ông chọn thỏa thuận nhận tội để đổi lấy cuộc sống tự do bên vợ con.
Thượng nghị sĩ đảng Xanh của Australia David Shoebridge cho biết ông mong được chào đón Assange trở về nhà.
“Rõ ràng Julian Assange không nên bị buộc tội gián điệp ngay từ đầu hoặc phải thực hiện thỏa thuận này”, Shoebridge nói, thêm rằng Assange phải ngồi tù chỉ vì cho thế giới biết sự thật về cuộc chiến ở Iraq.
Christine Assange, mẹ của Assange, cho biết thỏa thuận nhận tội cho thấy “tầm quan trọng và sức mạnh của ngoại giao thầm lặng”, đồng thời bày tỏ sự biết ơn khi hành trình nhiều thử thách với con trai cũng đã khép lại.
Assange được cho là đang trên đường trở về Canberra, nơi ông sẽ được chào đón như người hùng trong vòng tay gia đình và những người ủng hộ ông. Cuộc chiến pháp lý hơn 10 năm kết thúc, chấm dứt những tháng ngày ông phải ẩn náu trong những căn phòng chật chội hay bị giam trong tù.