Tại Washington, Việt Nam và Mỹ lần đầu tiên tổ chức đối thoại về kinh tế sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện.
Cuộc đối thoại được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez, tại Washington, ngày 25/6 (giờ địa phương), theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Quan hệ Việt – Mỹ được bình thường hóa từ tháng 7/1995 và nâng cấp lên Đối tác toàn diện tháng 7/2013, với nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã diễn ra. Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden vào năm ngoái, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết cuộc họp đối thoại kinh tế đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ lần này có ý nghĩa quan trọng, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, trong đó có kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tại cuộc họp, hai bên thống nhất hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, năng lượng và khoáng sản chủ chốt, môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ thông tin và an ninh mạng. Cùng đó, hai bên sẽ tăng thu hút và duy trì đầu tư chất lượng cao, kiểm soát xuất khẩu chiến lược.
“Hai bên đạt được nhiều kết quả tại cuộc họp, đặc biệt về bán dẫn với các giải pháp cụ thể, là căn cứ để triển khai”, nhà chức trách cho biết, thêm rằng cuộc đối thoại lần này tạo tiền đề mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Dự kiến, cuộc đối thoại kinh tế đối tác chiến lược toàn diện lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Hà Nội, vào năm 2025.
Trước đó, nhân chuyến làm việc tại Mỹ lần này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như ARM, Marvell, Google về đổi mới sáng tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đây đều là các doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực phần mềm, chíp, bán dẫn của Mỹ.
Bộ trưởng đề nghị các tập đoàn toàn cầu này tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, tăng hợp tác với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC).
Theo Bộ trưởng, NIC đang vận hành cơ sở tại Hòa Lạc (gần 20.000 m2) với nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho các đối tác hoạt động tại trung tâm. Ông đề nghị các thành viên Mạng lưới phối hợp Trung tâm kết nối các đối tác công nghệ lớn của Mỹ, quan tâm đến thị trường Việt Nam, có thể thiết lập các đơn vị nghiên cứu, văn phòng, phòng thí nghiệm, nhà máy sản xuất tại NIC Hòa Lạc.
Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế.
Cùng đó, Chính phủ nhiều lần khẳng định sẽ quyết liệt trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư công nghệ cao, bán dẫn, AI; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nhân lực, thể chế để thu hút, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam hơn 1.340 dự án với tổng vốn trên 11,8 tỷ USD, đứng thứ 11 về giá trị đầu tư, sau các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia…
Mỹ hiện là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc, cán mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước gần 111 tỷ USD, lần thứ 3 liên tiếp vượt mốc 100 tỷ USD, theo Tổng cục Hải quan.